Đối với những bạn đã từng đọc qua sách về Ai Cập hoặc có đam mê tìm hiểu về nền văn hoá cổ đại Ai Cập hẳn đều cảm thấy sông Nile rất quen thuộc, tuy nhiên các bạn có biết thật ra sông Nile không chỉ bị bó hẹp trong đất nước Ai Cập huyền bí mà sông Nile còn được mệnh danh là con sông của Bắc Phi với chiều dài khoảng 6.650km đi qua 11 quốc gia từ Hồ Lớn Châu Phi qua sa mạc Sahara trước khi đổ ra biển Địa Trung Hải.
Tại sao sông Nile luôn có sự cuốn hút đặc biệt với những nhà khảo cổ thì vào khoảng năm 6000TCN đã xuất hiện khu định cư lâu dài đầu tiên bên bờ sông Nile và được xem như là “quốc gia đầu tiên trên thế giới được công nhận”.
Và trên con sông xinh đẹp, chứa đựng nhiều huyền bí của loài người mà bất cứ ai cũng khao khát được đến tham quan ít nhất một lần trong đời ấy lại xảy ra không phải một mà là ba vụ án mạng trên chiếc thuyền đi dọc theo con sông ấy. Quá khủng khiếp quá bất ngờ khi hung thủ dám ra tay trên chiếc tàu có một thám tử lừng danh Hercule Poirot và một cảnh sát kì cựu Race, 16 hành khách trên chuyến đi ấy, ai mới thật sự là hung thủ?
Cũng như tác phẩm nổi tiếng Án Mạng Trên Chuyến Tàu Phương Đông, tác phẩm Án Mạng Trên Sông Nile này cũng là một trong những quyển sách nổi tiếng của nữ nhà văn trinh thám người Anh Agatha Christie và đã được chuyển thể thành phim với nhân vật chính do nữ diễn viên xinh đẹp Gal Gadot, Emma Mackey thể hiện, nhân vật thám tử thông minh Hercule Poirot do Sir Kenneth Charles Branagh – diễn viên, đạo diễn, nhà biên kịch Anh và từng được đề cử hai giải Oscar cho Nam diễn viên xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.
Nói đến đây ắt hẳn các bạn cũng đủ thấy độ xuất sắc của tác phẩm Vụ Án Trên Sông Nile này, tuy nhiên bài viết hôm nay Anna chỉ review sách đọc chứ không review về bộ phim vì thật lòng mà nói đối với những tác phẩm sách được chuyển thể thành phim thì Anna vẫn lựa chọn đọc sách hơn là xem phim.
Một chút thông tin về tác giả Agatha Christie cho những bạn không thường đọc thể loại sách trinh thám nhé.
Agatha Christie (1890 – 1976) tên thật là Agatha Mary Clarissa Miller, là nhà văn trinh thám Anh, được mệnh danh là “Nữ hoàng truyện trinh thám” với số lượng tác phẩm được xuất bản nhiều nhất mọi thời đại, chỉ xếp sau Kinh Thánh và Shakespeare. Ngoài ra bà còn viết tiểu thuyết lãng mạn với bút danh Mary Westmacott, tuy nhiên bà nổi tiếng hơn với 80 tiểu thuyết trinh thám, sách của bà được bán hơn 1 tỷ bản tiếng Anh và 1 tỷ bản bằng 100 ngôn ngữ khác nhau.
Trước đây mình từng đọc tác phẩm Vụ Án Trên Chuyến Tàu Phương Đông chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ vì sức cuốn hút đến kỳ lạ, sau đó thì mình không mua thêm tác phẩm nào của nhà văn này cho đến nay là gần hai năm sau khi đọc tác phẩm đầu tiên, vẫn cuốn hút như vậy, mình chỉ đọc trong một buổi và liên tục không ngừng nghỉ vì sợ mình sẽ bỏ quên chi tiết nào đó.
Cách hành văn, phân bổ chương của tác giả rất lạ giúp ngừoi đọc dễ hiều, dễ nhớ từ tên, công việc đến tính cách của từng nhân vật, dù hầu như trong những tác phẩm của nhà văn đều có hơn mười nhân vật, nếu không khéo sẽ rất dễ làm người đọc bị rối hoặc không thể nhớ nhân vật này là ai, từ đâu.
Điều đặc biệt mà Anna thích thú nhất là có những đoạn tưởng vô thưởng vô phạt mà ngừoi đọc có thể đọc lướt qua nhưng lại là những phần rất liên quan, thậm chí đóng vai trò quan trọng để các bạn dễ hình dung ra câu chuyện cũng như đoán được người có tội. Có thể nói khi đọc tác phẩm của nhà văn Anh Agatha Christie, Anna khuyên các bạn hãy dành thời gian cố định hoàn toàn không vướng bận để có thể theo dõi câu chuyện một cách trọn vẹn nhất.
Anna là một người mê truyện trinh thám đã từng đọc qua các tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn Trung Hoa như Quỷ Cổ Nữ, Tần Minh…cho đến nhà văn Mỹ Jeffery Deaver với Kẻ Tầm Xương, hay trọn bộ Sherlock Homes đình đám nhưng hầu như tất cả đều vướng một vấn đề mình không thích đó chính là tả cảnh quá nhiều, cảm giác khiến mình xao nhãng khi đang tập trung cùng suy luận vụ án với tác giả. Và ở những tác phẩm của Agatha Christie thật sự thoả mãn mình khi những văn vẻ cảnh vật, thời tiết không được dành nhiều “đất diễn”, và nếu có thì đều có ẩn ý của vụ án trong đó.
Đoạn trích dẫn này cũng phần nào nói cho các bạn biết nội dung tác phẩm sẽ liên quan đến tình yêu. Một cô gái trẻ xinh đẹp, tài giỏi, giàu có, dường như Thượng Đế đã quá ưu ái cô ấy khi trao tặng cho cô ấy hầu hết tất cả mọi điều tuyệt đẹp trên thế giới này, nhưng tiếc thay cô ấy lại phải bỏ mạng trước khi kịp đón sinh nhật mừng tuổi 21 của mình, mà lại còn ngay trong kỳ Trăng Mật nồng say, lãng mạn cùng ngừoi chồng mới cưới, thật đáng tiếc.
Linnet Ridgeway là cô nàng tỉ phú tuổi 20 có mọi thứ trong tay khiến bao người ganh ghét, chỉ đơn giản là vì cô có cái mà người ta không có dù cho cô ấy có bản tính lương thiện và không muốn làm hại ai, con ngừoi thật kỳ lạ đúng không các bạn? Khi mình đọc các chương đầu của tác phẩm mình khá ấn tượng với cô tỉ phú trẻ này, không chỉ vì cô là nhân vật chính mà còn vì tuy cô giàu có, xinh đẹp, giỏi kinh doanh nhưng cô có nhân phẩm tốt và tính cách rất rõ ràng chứ không như cô bạn thân của cô ấy là công nương Joanna Southwood. Cô luôn sẵn sàng rộng tay giúp đỡ cô bạn thân nghèo Jacqueline de Bellefort của mình mà không chút tính toán bị lợi dụng như cô bạn công nương từng cảnh báo.
Nhưng…cô gái ngây thơ ấy hai mươi tuổi vẫn chưa từng yêu ai dù đã từng được báo chí đưa tin về cuộc đính hôn cùng Huân Tước Windlesham – một người đàn ông có địa vị, yêu và tôn trọng cô ấy. Tuy nhiên cô là cô gái cá tính mạnh mẽ, cô sẵn sàng từ chối hôn nhân với ngài Huân Tước chỉ vì cô không yêu ngài ấy, với thời đại của cô thì đó quả thực là chuyện không hề dễ dàng.
Và rồi chẳng may, cô đã dính phải “tình yêu sét đánh” với người hôn phu của cô bạn thân Jacqueline de Bellefort khi bạn cô dẫn anh ấy đến nhờ cô giúp đỡ một công việc. Tình bạn có thể xếp sau tình yêu là thế, quả thực đọc đến đây thì bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy tức giận và trở mặt ghét cái cô Linnet giàu có, hợm hĩnh kia khi mà có thể hành động cướp chồng sắp cưới của bạn thân mình.
Linnet Ridgeway nhanh chóng kết hôn cùng chàng trai Simon Doyle – một chàng trai bình thường, không nghề nghiệp, tính cách “như trẻ con” và rồi họ đi trăng mật trong sự nồng say của cặp đôi mới cưới. Nhưng một buổi sáng cô gái xinh đẹp giàu có ấy được phát hiện đã chết với phát súng xuyên đầu, quá thảm khốc!
Chuyến hành trình về thượng nguồn sông Nile đầy xa xỉ ấy, cuối cùng đã không thể bình yên đến cuối hành trình, trên một con sông ẩn chứa nhiều huyền bí nhưng dịu dàng ấy lại có thể xảy ra án mạng và không chỉ một mà tận ba xác chết được khuân ra khi tàu cập bến. Thật không thể tin được…ngay cả vị thám tử Hercule Poirot cũng không thể tin được nó lại xảy ra nhưng nó đã xảy ra thậm chí là ngay trước mắt của ngài, thật quá manh động.
Mỗi con người trên chuyến đi ấy mang theo nhiều suy nghĩ và dự định khác nhau, có người tốt cũng không thiếu kẻ xấu thậm chí là tội phạm nguy hiểm nhưng khi cùng nhau lênh đênh trên biển thì ai cũng như ai. Mọi người từ xa lạ rồi thành thân quen rồi thành tình yêu. Phải nói chiếc tàu ấy chở theo quá nhiều tình cảm trên ấy, có tỵ nạnh, có ganh ghét, có âm mưu, có đau khổ, mà cũng có yêu thương…
Những nhân vật còn lại trên tàu mỗi nhân vật đều đóng một vai trò cố định không thừa cũng không thiếu, hầu như không ai giống tính cách của ai, có bác gái hoà đồng tốt bụng, có cô gái nông thôn thuần khiết đi theo chăm sóc ngừoi dì “quý tộc”, có bà nhà văn nghiện rượu tính tình kỳ lạ, có ông bác sĩ tài giỏi khó chịu, có cô y tá lạnh lùng…mình nhìn thấy được gần như đủ giai cấp đang tụ họp trong chuyến đi này, trên chiếc thuyền này. Nhưng quan trọng ai mới là hung thủ giết chết cô gái tỷ phú? Ai ăn cắp? Ai đánh tráo sợi dây chuyền ngọc trai đáng giá cả gia tài của cô ấy? Và rồi đến cô hầu của cô gái ấy cũng bị giết bằng một lưỡi dao…
Khi ngài thám tử sắp nghe ra cái tên của hung thủ thì ngay trước mắt mình, một phát súng nữa giết chết nhân chứng duy nhất tận mắt nhìn thấy hung thủ…quá manh động và gan dạ khi có thể ra tay trước mặt một thám tử tài ba và một cảnh sát kỳ cựu.
Lại lần nữa phải nói là quá kinh khủng với từng ấy vụ việc xảy ra chỉ vỏn vẹn mấy ngày ngắn ngủi, một chuyến đi đáng nhớ với tất cả các hành khách.
Mình để ý ít nhất là trong hai tác phẩm Vụ Án Chuyến Tàu Tốc Hành Phương Đông và tác phẩm này đều có điểm chung kết cục là hung thủ đều sẽ được xử lý theo một cách rất khác chứ không đơn thuần là cảnh sát còng tay bắt đi như đa phần các tác phẩm trinh thám khác. Mình nghĩ vì tác giả có ẩn ý sau đó, đó là tình ngừoi và danh dự, nhân phẩm. Thám tử Hercule Poirot hay chính tác giả đều nhìn những ngừoi phạm tội với con mắt tình người, cảm thông mà cho họ một con đường khác ngoài đứng trước vòng lao lý, vì người Anh thời đó họ rất trọng danh dự, chỉ việc nghiện rượu cũng có thể khiến báo chì rùm beng và mất hết danh tiếng cả một dòng họ.
Đây thật sự là một tác phẩm mà không chỉ những bạn yêu thích thể loại trinh thám mà tất cả các bạn nên một lần đọc qua, tuy là truyện trinh thám với ám sát giết ngừoi nghe có vẻ nặng nề ảm đạm nhưng trong đó vẫn ẩn chứa rất nhiều câu chuyện thấm thía về tình người. Cũng như góp phần giúp các bạn hiều hơn về tính cách người Anh thuở ấy, dù ở tầng lớp nào họ vẫn giữ phong thái, cung cách, nhân phẩm và danh dự.
Mình thực sự thoả mãn trí óc với tác phẩm lần này, với cách miêu tả chi tiết nhưng không dư thừa, giọng văn chỉnh chu mượt mà, đọc đến đoạn nào thì trong đầu mình dường như có thể hình dung ra khung cảnh ấy dù mình chưa hề xem bộ phim này. Đó cũng chính là lý do mình thích sách đọc hơn xem phim vì khi đó mình có thể thoả mãn trí tưởng tượng qua từng câu chữ.
Để kết lại bài viết review hôm nay mình dành tặng các bạn một câu nói mà mình rất thích của vị thám tử đại tài Hercule Poirot trong tác phẩm:
Để lại ý kiến
Xem ai đã bình luận