[Đọc Sách cùng Anna] Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt

[Đọc Sách cùng Anna] Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt 1

Đây là quyển sách u tối nhất mà mình từng đọc,

Chào các bạn quay trở lại với chủ đề Đọc Sách Cùng Anna, khá lâu rồi mình không giới thiệu đến các bạn những quyển sách mà mình đã đọc và nếu như các bạn đã từng theo dõi những bài review đọc sách trước của Anna thì các bạn sẽ nhận ra đa số sách mình đọc chủ yếu là về chủ đề self-help, chữa lành hoặc trinh thám cho đến khi được bạn tặng quyển Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt, mình thật sự khá sốc với nội dung cũng như cách kể chuyện của tác giả Kevin Chen. Sẽ thật thiếu sót nếu như Anna không giới thiệu đến các bạn.

Đôi lời về tác giả Kevin Chen tên thật là Trần Tư Hoành sinh ra trong một gia đình làm nông ở Vĩnh Tĩnh, Đài Loan. Hiện tại anh đang sinh sống và làm việc tại Berlin, Đức. Anh từng được vinh danh trong rất nhiều hạng mục văn học trong và ngoài nước.

Kevin Chen xuất thân từ gia đình thuần nông với 9 người con. Năm 43 tuổi, anh đã lấy chính cuộc đời mình làm chất liệu để viết nên cuốn tiểu thuyết “Vùng đất quỷ tha ma bắt”. Anh chia sẻ, nhân sinh rất là hỗn loạn, có nhiều vấn đề mà trong suốt cuộc đời chúng ta không có được câu trả lời. Với cuốn sách này cũng vậy, anh không muốn đưa ra cho độc giả câu trả lời mà anh muốn đưa ra cho độc giả nhiều câu hỏi hơn.

  Năm 33 tuổi, tôi bắt đầu viết “Vùng đất quỷ tha ma bắt” nhưng mãi đến năm 43 tuổi, tôi mới quay lại viết tiếp và hoàn thành nó. Tôi luôn muốn viết cuốn sách này. Vì tôi đến từ một đại gia đình: Tôi có 7 người chị và 1 người anh, tôi là con thứ 9. Lớn lên trong môi trường thú vị như vậy, tôi có rất nhiều câu chuyện nên tôi muốn viết câu chuyện của gia đình mình.

Vùng đất quỷ tha ma bắt là cuốn sách mở đầu cho bộ ba tuyển tập Mùa hè năm 2022 nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả và giới phê bình trên toàn thế giới. Tại Đài Loan, cuốn tiểu thuyết nhận về 2 giải thưởng văn học danh giá, bao gồm Giải Kim Điền (từ Viện Văn học Quốc gia) và giải Kim Đỉnh (từ Bộ Văn hóa). Tháng 10/2022, cuốn tiểu thuyết một lần nữa được công nhận khi lọt top 10 văn học thế giới của năm do Library Journal bình chọn. 

[Đọc Sách cùng Anna] Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt 2
Tác giả Kevin Chen (Nguồn: Internet)

Tại sao mình gọi đây là quyển sách u tối nhất mà mình từng đọc thì mời các bạn hãy cùng Anna bước vào câu chuyện nhé.

[Đọc Sách cùng Anna] Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt 3
Review Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt – Anna Ngọc

Cuốn tiểu thuyết dài hơn 400 trang, gồm 45 chương với tên tiếng Anh là Ghost Town. Mỗi chương là một giọng kể khác nhau, lần lượt đại diện cho từng thành viên trong gia đình kể về câu chuyện của cuộc đời mình, bao gồm cả… hồn ma.

“Quê hương là một vùng đất nhỏ… Vùng đất nhỏ, chính là vùng đất quỷ tha ma bắt của gã”.

Mở đầu tác giả đưa chúng ta đến với quê hương của tác giả, đó chính là vùng quê nghèo Vĩnh Tĩnh, nằm ở Trung đảo Đài Loan, một ngôi làng nhỏ, nơi quá khứ và hiện tại luôn đan xen, tạo nên một không gian đầy huyền bí và u ám. Ngôi làng này không chỉ là nơi cư trú của gia đình tác giả mà còn là nơi chứa đựng những bí mật và câu chuyện mà thời gian chưa bao giờ phai nhạt.

Đây là một cuốn tiểu thuyết tạo cho người đọc cảm giác như đang chơi trò ghép hình, mỗi câu chuyện như những mảnh ghép nhỏ tạo thành một bức tranh lớn là câu chuyện đầy bi thảm của nhà họ Trần ở vùng đất Vĩnh Tĩnh. Chuyện của người và chuyện của ma, quá khứ và hiện tại lẫn lộn, đến nỗi nhiều khi ta không phân biệt được là ai đang kể.

Mùa hè năm nay miền Trung đảo khô hạn, mặt đường buổi chiều giống như bếp lò, không cần bật gas cũng có thể rán trứng rang cơm nấu cháo trên đó. Biền biệt ngần ấy năm, mọi thứ trước mắt ăn khớp với ký ức của gã, nóng ghê gớm, cái nóng buổi chiều khiến thời gian trôi chậm lại, cây ngủ trưa gió lặng lờ, nín thở lắng tai sẽ nghe thấy đất đang ngáy.”

Bước chân đầu tiên của Trần Thiên Hoành – nhân vật tôi, khi trở về quê hương sau nhiều năm lưu lạc, tất cả hồi ức kể từ lúc một đứa trẻ có thể ghi nhớ, xuất hiện ồ ạt, sắc nét, chỉ có những người thân quen là không thấy đâu. Vì sao đối với Thiên Hoành, quê hương Vĩnh Tĩnh lại biến thành vùng đất “quỷ tha ma bắt”? Quê hương của Thiên Hoành là nơi xa xôi hẻo lánh, thậm chí đôi khi nhân vật còn nghi ngờ liệu cái tên Vĩnh Tĩnh có tồn tại trên bản đồ hay không. Dĩ nhiên, dưới sự mô tả của Kevin Chen, vùng đất nhỏ nơi Thiên Hoành sinh ra đúng là không bắt kịp tiến độ kiến thiết, những con người sống trong thôn trước kia bây giờ đều chuyển ra bên ngoài, giới trẻ rời quê rồi cũng không có ý định quay về, ngay cả chính Thiên Hoành.

Yếu tố văn hóa bản địa được tác giả trải dài xuyên suốt tác phẩm. Từ những dòng đầu tiên cho tới tận dòng cuối cùng, tác giả đều dùng trọn vẹn để nói về vùng quê Vĩnh Tĩnh: một vùng quê nghèo, xa xôi hẻo lánh với vô vàn tập tục, lễ nghi mê tín dị đoan đến mức hủ tục. Có một điều khác lạ là ma quỷ nơi đây không đến từ một thế giới giả tưởng nào đó, chúng được sinh ra trong truyền thuyết, qua những câu chuyện kể dân gian, qua những lời đồn thổi trong làng. Ma nữ ẩn nấp trong rừng tre, ẩn mình trong ruộng lúa, ẩn mình trong những định kiến, tư tưởng mê tín dị đoan, ẩn trong những lời nói chửi rủa như dao đâm, ẩn trong cái nghèo khó, lạc hậu của nơi thôn dã này….

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày rằm tháng bảy – ngày xá tội vong nhân, ngày người chết trở về, nhân vật “Tôi” – cậu em út của nhà họ Trần cũng từ Berlin trở về quê hương sau nhiều năm ở tù vì tội giết người. Từ đó mở ra một buổi họp mặt của tất cả những thành viên trong gia đình dù còn sống hay đã chết thay phiên nhau kể chuyện, những giọng kể của họ lẫn lộn giữa hiện thực và huyền ảo, hiện thực và quá khứ, hiện thực và phi hiện thực…rối rắm đan xen vào nhau.

“Có rất nhiều ma quỷ nơi thôn dã, chúng sống trong lời kể của mọi người. Phía trước dãy nhà này có vạt rừng tre rậm rạp, người ta nói có ma nữ phất phưởng, đừng bao giờ đến gần. Ma nữ trong rừng tre là người đàn bà bị cưỡng hiếp thời kỳ Nhật thuộc, trinh tiết bị vấy bẩn còn bị nhà chồng đuổi ra khỏi cửa, bèn vào rừng tre treo cổ tự tử, từ đó thành ma, chuyên dụ dỗ đàn ông trẻ. Đêm đến chó sủa nhặng lên, hay còn gọi ‘chó cắn ma’, theo lời mẹ gã, chính là gia súc gặp ma, ngủ cho mau, không được mở mắt, bằng không sẽ nhìn thấy ma, thứ không nên nhìn thì chớ nhìn, cho dù nhìn thấy cũng không được nói ra, nhìn thấy thì chạy ngay, chạy mãi chạy mãi, chạy đến khi ma không đuổi kịp mới thôi”.

[Đọc Sách cùng Anna] Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt 4
MUA SÁCH CHÍNH HÃNG TẠI LAZADA
[Đọc Sách cùng Anna] Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt 5
MUA SÁCH CHÍNH HÃNG TẠI SHOPEE

Bằng bút pháp tinh tế và đầy cảm xúc, tác giả đã dành nhiều thời lượng cho những truyền thuyết ma mị, những tập tục nhất định phải làm vào ngày rằm tháng 7. Theo phong tục, rằm tháng 7 là dịp mở cổng địa ngục, các linh hồn có cơ hội trở lại dương gian. Do đó, rất nhiều câu chuyện ma mị, truyền thuyết kinh dị cũng như những kiêng kị xuất hiện vào ngày này.

Xem thêm  Đọc Sách - Không Sợ Chậm Chỉ Sợ Dừng – Vãn Tình

Ai cũng mang trong mình một câu chuyện, câu chuyện cuộc đời của riêng mình. Chúng ta cứ cho câu chuyện của mình là hay nhất, là đáng được toả sáng nhất, nhưng rồi cũng lại cho câu chuyện của mình là tệ nhất, là đáng được xót thương nhất. Dựa vào đâu để so sánh, mỗi người mỗi vẻ, mỗi câu chuyện viết ra là mỗi góc nhìn rọi vào, chẳng thể nào so sánh nổi. Vậy mà ta cứ đặt mình lên cán cân so sánh, để rồi hờn tủi,ghen tị, rồi cả kiêu hãnh nữa. Tại sao phải tự làm khổ chính bản thân mình như vậy? Con người thật khó hiểu.

Vùng đất quỷ tha ma bắt – vùng đất mà chúng ta muốn bỏ đi nhưng mãi vẫn ở đó, ai mà chẳng có. Chúng ta tưởng rằng mình khác nhau, nhưng hoá ra lại giống hệt nhau. Ai cũng có bí mật muốn che giấu, có vùng đất chết tiệt trong tâm hồn muốn đốt trụi đi. Nhưng vùng đất đó mãi không cháy hết, chỉ có ngọn lửa cứ âm ỉ mãi, ngày này qua tháng nọ, vùng đất đó không bị diệt, chỉ có mình là chết khô trong đó.

45 chương là 45 câu chuyện hồi ức của các nhân vật, là tiếng lòng đầy nặng trĩu, đan xen giữa quá khứ lẫn thực tại. Một gia đình họ Trần điển hình với một bà mẹ chồng cay đắng, một cô con dâu khốn khổ và một người chồng không có tiếng nói trong nhà. Không vì lý do nào khác ngoài việc không phải là người nối dõi tông đường mà 5 cô con gái đã bị từ chối ngay từ khi sinh ra. Niềm hy vọng duy nhất đến 2 người con trai nhưng cả hai đều đi tù.

Với một gia đình đầy rẫy những nỗi khổ tâm, những uất ức trong tiềm thức, tác giả mượn những điều này để nói lên mảng màu tối tăm ở vùng đất này. Ngay từ nhỏ họ đã không được sống trong tình yêu thương, không được công nhận, lớn lên từ những vết sẹo cuộc đời, khiến họ chẳng còn tiếng nói, cứ thế phó mặc cho cuộc đời.

“Ma quỷ tồn tại nhờ hồi ức, bản thân cũng tràn đầy hồi ức, khứu giác, xúc giác, cảm giác đau đớn, đủ loại hồi ức.”

Bằng cách kể chuyện sáng tạo của tác giả khiến người đọc có cảm giác như đang ngồi cạnh họ, nghe họ trò chuyện và chia sẻ những câu chuyện không đầu không đuôi nhưng cũng không thể ngừng lắng nghe. Có thể nói tuy là tiểu thuyết ma mị nhưng lại mang cảm giác chữa lành len lỏi vào tâm hồn mình lúc nào không hay, người đọc có thể dễ dàng nhìn thấy chính mình qua từng câu chuyện của các nhân vật.

Kevin Chen đã xây nhiều cấp độ hiện thực và phi thực, đặt cạnh nhau, chồng chồng lớp lớp, bằng kỹ thuật montage đỉnh cao. Phân cảnh bà mẹ A Thiền tụng kinh ở Thành Cước Ma vào buổi sáng mùa hè, cảnh sát tìm đến, có đủ các loại âm thanh huyên náo như một cú sốc điện giật thốc cả làng quê bừng tỉnh, thành biến cố thay đổi số phận của nhiều người có lẽ là một trong những cảnh thảm thiết và rùng rợn nhất trong văn chương. 

Cái thiêng và cái phàm, cái thiện và cái ác, miếu thờ đặt cạnh lò mổ, tiếng kinh cầu lẫn trong tiếng lợn rống bị thọc tiết, tương phản nhau rõ rệt, tạo nên sự kỳ dị của bộ mặt vùng quê Vĩnh Tĩnh, khó có thể nhìn thấy ở tác phẩm nào khác.

Quật mộ tất cả những ký ức cá nhân và lịch sử tập thể từ lâu chôn kín, Kevin Chen đồng hiện mọi chi tiết và sự kiện trên trang giấy, vứt bỏ khái niệm về không gian và thời gian.

Tác phẩm cuốn bạn vào câu chuyện dày đặc tuyến nhân vật, tuy vậy được xây dựng rõ ràng và mạch lạc, tác giả để những bí mật của họ tự câu dẫn người đọc, điều gì khiến một chuyện tốt trở nên tồi tệ như thế, điều gì đẩy cuộc đời họ trở nên điêu tàn như thế, đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bắt ngờ khác. Đồng thời, ta đã theo chân tác giả bước vào vùng đất Vĩnh Tĩnh lúc nào chẳng hay, người đọc dường như cảm nhận được hơi thở của Đài Loan cũ, một Đài Loan vừa cổ truyền lại vừa tiên tiến và mới mẻ, khao khát dịch chuyển, muốn thoát mình, nhưng chỉ nửa vời.

“Em biết rõ vết thương của chị, chị hiểu rõ nỗi đau của em, vạch trần, chà đạp, ngôn từ bị giam cầm nhiều năm phá cũi sổ lòng, thân nhiệt như núi lửa, miệng phun dung nham, nước bọt bỏng người, hương thịt lan tỏa”

Người thì đã chết thành ma, người còn sống thì lay lắt vật vờ, vô hình. Tàn dư của những nỗi đau khổ khiến cho họ sống tàng hình giữa đám đông, hòa tan vào phông nền, soi gương không có bóng, đi lại không dấu chân, bay tới bay lui, vẫn chưa biến mất, song cũng không tồn tại.

Xem thêm  Đọc Sách - Dám Yêu Dám Gánh Vác - Lý Ái Linh

Ai cũng mang theo mình những thương tổn, rạn nứt, những hồi ức căng tràn khứu giác, xúc giác, cảm giác đau đớn, đủ loại hồi ức. Gom lại như đống mạt vụn chờ gió thổi tan. Lúc nào cũng là gió. Sao đều là gió. Gió làm hỏng việc, gió chẳng lành, tung tin đồn nhảm, hủy hoại tất cả. Nhưng vẫn là gió khép lại tất cả.

Gió muốn bà nói với con trai út: “Đừng khóc.” Gió đến từ biển Baltic, gió đến từ di thư ở Bạch Cung, gió đến từ vườn khế, đều lặp đi lặp lại, đừng khóc, đừng khóc, đừng khóc nhé.

Một điểm cộng cực kỳ to dành cho Vùng đất quỷ tha ma bắt chính là yếu tố LGBT. Thực sự phải nói là rất hiếm có một nhà văn xuất phát từ Đài Loan dám viết về chủ đề khá nhạy cảm này. Trong một buổi chia sẻ của tác giả hồi cuối tháng 7 tại Hà Nội, Kevin Chen đã nói rằng 

“cảm hứng viết tiểu thuyết “Vùng đất quỷ tha ma bắt” đến từ những khó khăn khi anh này công khai đồng tính”; “Tôi là người đồng tính. Tôi phải mất rất nhiều năm để có thể lớn tiếng nói với mọi người điều này”

Mặc dù nhân vật trong sách chỉ là hư cấu, nhưng chính điểm tương đồng với tác giả, chính những trải nghiệm khó khăn ra làm sao khi công khai giới tính với gia đình, xã hội đã khiến cuốn sách thành công vang dội cả trong và ngoài nước. 

“Bạn sẽ không bao giờ đơn phương trên hành trình tìm lại bản ngã của chính mình, ở ngoài kia sẽ luôn có người sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên hành trình gian nan ấy.” 

Một tiểu thuyết gia nước ngoài so sánh cuốn sách như một chiếc vali nén đầy những ký ức chỉ chực chờ bung ra, còn tôi muốn so sánh nó như một chiếc bàn thờ ký ức, nơi thay vì đặt lên những mâm ngũ quả hay những khay oản, những đĩa xôi, thì người ta đặt lên đó tất cả những đĩa ký ức, thắp một nén nhang, cầu mong siêu thoát. Nhưng người ta có thể siêu thoát được không?

Và “sự thật nghệ thuật” trong cuốn tiểu thuyết này là gì?Trong cuốn tiểu thuyết này có một trận động đất. Trận động đất quét qua đảo Đài Loan, khiến cho những tòa nhà sụp đổ, những ngọn núi sụp đổ, rất nhiều thứ sụp đổ. Ta những mong một trận động đất như thế (như một cơn hồng thủy chẳng hạn) sẽ nuốt vào khe nứt của đất những tàn dư bất hạnh để tạo nên một cuộc đời mới, một cuộc giải thoát hay siêu độ, nhưng không, thứ duy nhất đến động đất cũng không thể đánh sập là chấn thương của con người. Khổ đau là muôn đời.

Địa danh Vĩnh Tĩnh này giống như cái tên bị bỏ quên trên địa đồ, người bám trụ lại với mảnh đất này lại là thế hệ già yếu không cách nào thoát ly. Ý nghĩa tên gọi Vĩnh Tĩnh ban đầu vốn là lời cầu chúc, sau ngần ấy năm, sự phồn vinh thịnh vượng trước kia đều không còn, tên sao đất vậy, rất đỗi tĩnh lặng. Trần Thiên Hoành xem chuyện này như một lời nguyền. 

“Trong tù thứ dư dả nhất là yên tĩnh, không nghe thấy mưa rơi, không nghe thấy gió thổi, không nghe thấy là rụng. Gã nói với bác sĩ nhà tù, yên tĩnh quá, sao mà ngủ nổi chứ? Uống thuốc có tác dụng không? Gã muốn hỏi bác sĩ nhưng không nói ra miệng, uống thuốc thì sẽ nghe thấy tiếng mưa chứ?

Nghe tiếng mưa sẽ dễ ngủ hơn sao? Vì ở cái vùng đất mà Thiên Hoành đặt là quỷ tha ma bắt, mưa xuống giống như đoàn người rộn rã khua chiêng đánh trống, mưa gõ trên mái tôn rõ rào rào. Phản xạ có điều kiện này ngấm vào máu gã như một thứ tập quán bám rễ vào một vùng địa khu. Hễ nghe thấy tiếng mưa, Thiên Hoành tự khắc có thể chìm vào giấc ngủ ngon lành. 

“Mở cái bàn tròn gấp ra, gà lợn vịt mì ăn liền hoa quả khô đều phải bày lên bàn, bàn tròn kê ở trước nhà hướng ra ngoài, trước bàn đặt một chậu nước sạch, trong nước ngâm chiếc khăn, mặt nhỏ, để hồn ma qua đường rửa sạch tay chân, tận hưởng bữa tiệc bàn tròn. Trên mỗi đĩa đồ ăn cắm ba cây hương, càng là năm thiếu thốn, bàn cúng ngược lại càng thịnh soạn. Hoá vàng mã, cầu hồn ma qua đường đừng quấy nhiễu, trong suốt tháng Bảy âm lịch không được động thổ, chuyển nhà, đi xa.”

Nếu không phải xây dựng hình tượng địa điểm dựa trên chính quê hương mình, có lẽ người viết sẽ không tài nào thuật lại hình ảnh cúng kiếng của người địa phương bài bản và chi tiết đến mức này. Bấy nhiêu mô tả đây thôi cũng dư sức ấn tượng rằng ngày Thiên Hoành tìm về Vĩnh Tĩnh là ngày rằm tháng Bảy. Ba của Thiên Hoành, hay đúng hơn là một hồn ma, trùng hợp cũng đúng ngày mặt đất nứt ra, có thể dạo chơi dương giới. Cũng như để có thể kể lại câu chuyện của chính mình mà khi còn sống ông vẫn mãi im lặng chưa từng phơi bày ra. Người đọc dễ dàng nhận ra A Sơn – người cha xuyên suốt câu chuyện đều im lặng, chỉ đến khi thành ma, ông mới có thể nói ra tất cả. Bỗng nhiên nghĩ lại chính mình, chúng ta cũng thế đúng không? Ai, bất cứ ai dù giàu hay nghèo, dù già hay trẻ, dù sang hay hèn…cũng có những chiếc hố to chất chứa câu chuyện của riêng mình.

Xem thêm  Nước Tẩy Trang L’oréal Micellar Water 3-in-1 Deep Cleansing

“Gã thật sự không có di động, trong tù cấm dùng điện thoại, sau khi ra tù, gã biết mọi người đều dùng di động kết nối với thế giới, nhưng gã đã mất liên lạc với thế giới, gã là con ma đã biến mất, tạm thời vấn không muốn trở về nhân gian, nên không dùng di động.”

“Ký ức đầy bí mật là môi trường thích hợp của tôi, không vạch trần, giấu kín, bẩn thỉu, xấu xa, thối rữa, những bí mật vùi sâu chôn chặt cả đời là chất môi giới dịu dàng nhất với tôi.”

“Khứu giác là cách gã phân biệt phương hướng của quê nhà, vườn khế có mùi thơm quả chín, Thành Cước Ma có mùi đốt hương, nghĩa địa có mùi tro tiền vàng mã, xưởng nước tương có mùi ngọt thuần khiết của đậu đen lên men.

“Cổ họng mẹ có hệ thống văn tự riêng, mắng mỏ cay nghiệt, thần chú vỗ về, câu chuyện rối rắm, tụng kinh vang dội, bất cứ lúc nào cũng có khả năng bịa đặt cảnh đời phức tạp.“

Trong mắt năm đứa con gái và hai đứa con trai, A Thiền là người mẹ không lẫn vào đâu được. Chỉ cần lầm rầm câu thần chú ma lực, một bát gạo, một chiếc áo là có thể vỗ về đứa trẻ đang khóc ồn ào. Mới hoà nhã tụng kinh niệm chú, quay ngoắt một cái là thốt ra câu từ nguyền rủa bén ngót, thao thao bất tuyệt như núi lửa bắn ra dung nham bỏng rát thiêu đốt sự sống. Người mẹ nào cũng ôm trong lòng nhiều ký ức đau thương, nhiều nỗi niềm buộc phải bưng bít không được phép lộ ra ngoài. Thiền Dầu Nành từ cô gái con chủ xưởng nước tương đến người mẹ gồng gánh mấy miệng ăn một lượt dĩ nhiên khó tránh khỏi sự thay đổi. 

“Khi còn sống, tôi cho rằng người chết rồi thành ma thì sẽ gặp được những con ma khác. Thật sự làm ma mới nhận ra, ma chính là một dạng tồn tại hiu quạnh nhất, không thể gặp gỡ bất cứ con người, sự việc, sự vật nào trong không gian và thời gian.”

Sẽ không dưới một lần Kevin Chen để người đọc lắng nghe tâm sự của những linh hồn đầy tâm sự ở vùng đất quỷ tha ma bắt này. Hơn cả những câu chuyện, những điều bí mật, ý nghĩ của các linh hồn chứa đầy ẩn dụ, đầy đạo lý sâu sắc mà con người có khi còn lâu mới vỡ lẽ ra.

“Trước khi chết, tôi dùng khứu giác đánh dấu những người xung quanh, mỗi người đều có mùi đặc thù, ví như mẹ tôi là mùi cao Thanh Thảo, người làm quan tài là mùi gỗ, con gái cả là mùi vải, Cây Cau là mùi khế, con trai út là mùi sách. Con trai lớn vốn là mùi quan tài, sau khi bị tay bán bánh quy kéo đi làm xã trưởng, biến thành mùi com lê.”

Những dòng suy nghĩ thuộc về nhân vật không còn trên đời không đơn thuần là sợi dây liên kết cộng hưởng cùng những câu chuyện của người còn sống. Mà qua đó, còn nói lên một cách nhanh chóng đặc điểm nhận dạng đơn giản nhất của từng nhân vật. 

The New York Times đã nhận xét tác phẩm này như sau: “Án mạng, tấn kịch, gia đình và lịch sử Đài Loan, tất cả trong một.” Kevin Chen không chỉ thành công xây dựng hình ảnh, tính cách và cuộc đời rõ ràng cho rất nhiều nhân vật, có cùng huyết thống, có khác huyết thống, sống cùng một nơi chốn, và khác nơi chốn. Tất thảy đều được tác giả dung hoà, giống như phong cách viết liên tục thay đổi. Từ hiện thực, huyền ảo, hài kịch đen và cả bi kịch ẩn giật gân,… Đọc Vùng đất quỷ tha ma bắt không đòi hỏi sự suy luận cầu kỳ, phức tạp để phá giải dù những vụ án mạng còn nhiều ẩn khuất. Càng không cần bàn tay sáng tạo của nghệ sĩ tài hoa mới phác hoạ được những phận đời hội đủ các yếu tố đáng thương, đáng buồn và đáng yêu. 

Mở đầu bằng chuyến tìm về Vĩnh Tĩnh của Trần Thiên Hoành, kết thúc cũng bằng chuyến tìm về của một người phụ nữ có đầy những năm tháng gập ghềnh, nhọc nhằn, biết bao khổ tâm cùng hàng ngàn bí mật. Vùng đất quỷ tha ma bắt dù trở nên hoang tàn, vắng lặng và nóng bức, vẫn là quê hương nhỏ trong lòng những đứa con nhà họ Trần, kể cả khi muốn rời đi hay ở lại. Không có phương diện nào là tuyệt đối, giống như người nhà họ Trần khi cần có thể cãi nhau không ngớt lời, song cũng làm rất tốt chuyện ngậm miệng. 

Cuốn sách cũng chứa đựng nhiều nỗi đau, sự bất hạnh của con người, của số phận nghiệt ngã, để từ đó cho người đọc thấy được bài học về cách đối mặt với những thương tổn và bi kịch trong cuộc sống.

Với lối viết cảm xúc cùng một kết truyện đầy bất ngờ, Kevin Chen thực sự đã lấy được mọi cung bậc cảm xúc của mình qua tác phẩm. Tác giả chia sẻ, đã có rất nhiều độc giả, thậm chí là những người bạn thân của anh đặt câu hỏi có phải anh là nguyên mẫu của “Vùng đất quỷ tha ma bắt”, Kevin Chen cảm thấy phấn khích khi mọi người nghĩ như vậy và anh cũng nhắn nhủ: “Khi bạn viết một cuốn sách, bạn hãy viết bằng cảm nhận và câu chuyện của mình, đó là điều tuyệt vời và độc giả cũng mong chờ được nghe về câuc chuyện đó”.

Là cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội đã được tái bản lần thứ ba, chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt bạn đọc, “Vùng đất quỷ tha ma bắt” mang màu sắc rất mới trên văn đàn và sẽ để lại ít nhiều trăn trở trong lòng bạn đọc.

Một cuốn sách hay từ văn phong, đến câu chữ, mang màu sắc “lạ” giữa vô vàn những tác phẩm na ná nhau ngoài kia. Bạn sẽ không thể đọc lần đầu là có thể hiểu hết những ý tác giả truyền tải, đôi khi phải mất 2 3 lần sau nữa. Nhưng theo đánh giá cá nhân của mình đây là một cuốn sách đáng để đọc, để có trong tủ sách nhà bạn. 

[Đọc Sách cùng Anna] Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt 4
MUA SÁCH CHÍNH HÃNG TẠI LAZADA
[Đọc Sách cùng Anna] Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt 5
MUA SÁCH CHÍNH HÃNG TẠI SHOPEE
error: Bản quyền nội dung thuộc về Anna Ngọc Makeup.